CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ SỨC KHỎE TRƯỚC TÁC ĐỘNG CỦA NẮNG NÓNG, HẠN HÁN, XÂM NHẬP MẶN
Trước tình trạng nắng nóng ở khu vực phía Nam và dự báo trong thời gian tới, nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình những năm trước, có nguy cơ gây nên hạn hán, thiếu nước sạch cho sinh hoạt và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, người lao động.

Trước diễn biến trên, mọi người dân cần thực hiện một số biện pháp bảo vệ sức khỏe như sau:

- Hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

- Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.

- Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi.

- Không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt cần uống tối thiếu 1,5 – 2 lít nước/ngày. Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần.

- Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng.

- Thực hiện các biện pháp làm thoáng mát nơi làm việc như sử dụng mái che, các tấm phản chiếu nhiệt, phun sương, lắp đặt hệ thống điều hòa,...

Xử trí khi say nắng, say nóng:

Khi gặp người có biểu hiện say nắng, say nóng như: Mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở,...Cần chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió. Nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài của nạn nhân. Sau đó, lau cơ thể nạn nhân bằng khăn mát hoặc có thể dội nước mát vào cơ thể nạn nhân rồi lau khô. Đặt khăn thấm nước mát hoặc nước đá tại các vị trí như vùng nách, vùng bẹn, hai bên cổ để giúp nhanh chóng giảm nhiệt độ cơ thể.  Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát. Nếu nạn nhân bị chuột rút, cần xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút.  Không để cho nhiều người vây quanh nạn nhân. Gọi cấp cứu ngay khi nạn nhân Đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê,..

Trong trường hợp nắng hạn kéo dài, xảy ra thiếu nước, không có nước sạch để sử dụng cần xử lý nước để có nước sử dụng tạm thời. Đồng thời, phòng chống các dịch, bệnh lây qua đường nước như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn…

Các biện pháp xử lý nước:

Nên lựa chọn nước giếng đào, nước giếng khoan để xử lý, nước ao hồ, sông suối, kênh rạch thì cần lựa chọn những điểm có khả năng ít bị ô nhiễm nhất, cố gắng lấy nước càng xa bờ càng tốt để xử lý theo các bước sau đây:

Bước 1: Làm trong nước bằng cách dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch.

Bước 2: Khử trùng nước: Có thể khử trùng nước bằng hóa chất, đun sôi hoặc bằng các thiết bị lọc nước.

a) Khử trùng nước bằng hóa chất:

- Viên Cloramin B 0,25g: Cho 1 viên Cloramin B 0,25g vào thùng đựng 25 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp, chờ 30 phút sau có thể sử dụng làm nước sinh hoạt được.

- Viên Aquatabs 67mg: Cho 1 viên Aquatabs 67mg vào thùng đựng 20 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp chờ 30 phút có thể sử dụng được.

Lưu ý:

- Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn làm mất tác dụng khử trùng của Clo. Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nếu lỡ cho quá nhiều Clo thì mở nắp, chờ thêm nửa giờ hoặc một giờ nữa cho bớt mùi rồi mới sử dụng. Trước khi tiến hành khử trùng cần kiểm tra hạn sử dụng của hóa chất để đảm bảo liều lượng và hiệu quả khử trùng.

b) Đun sôi nước

- Chỉ sử dụng nước để uống trực tiếp sau khi đã đun sôi.

- Nước sau khi đun sôi không được để quá lâu, nên thường xuyên đun nước mới hàng ngày để uống.

- Trong trường hợp không có hóa chất khử trùng thì chỉ ăn uống nước đã đun sôi kỹ, không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.

c) Sử dụng các thiết bị lọc nước

Hiệu quả lọc nước của thiết bị phụ thuộc vào chất lượng nước đầu vào, công nghệ lọc, tình trạng và chất lượng của thiết bị lọc, thời gian sử dụng… Nước đầu vào của các thiết bị lọc nước phải là nước đã được làm trong, không dùng trực tiếp nước bề mặt từ ao hồ, sông suối, kênh rạch… để tránh bít tắc thiết bị lọc./.
BS. Lý Xuân Nhi
THÔNG BÁO

   


















Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 6
  • Trong tuần: 1 050
  • Tất cả: 3594675

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: Sở Y tế Trà Vinh.
- Địa chỉ: 16A, đường Nguyễn Thái Học, P1, TPTV, tỉnh Trà Vinh.
- Email:soytetv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 0294.3862399. Fax: 0294.3864255
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang