CHẤN THƯƠNG CỘT SỐNG: TÁC HẠI CỦA VIỆC ĐIỀU TRỊ KHÔNG ĐÚNG CÁCH
Chấn thương cột sống thường gặp trong lao động và sinh hoạt hằng ngày nhưng lại dễ bị bỏ sót. Việc phát hiện chấn thương chậm trễ hoặc thiếu hiểu biết trong cấp cứu, vận chuyển và điều trị không đúng cách có thể gây ra những biến chứng nặng và để lại di chứng đáng tiếc.

Nhận biết triệu chứng tổn thương cột sống

Các triệu chứng chấn thương cột sống sẽ thay đổi tùy vào vị trí, mức độ tổn thương cũng như có chèn ép lên các dây thần kinh, tủy sống hay không. Triệu chứng thường gặp có thể kể đến là cơn đau đi kèm với tê bì, xuất hiện dấu hiệu bất thường về chức năng vận động và phản xạ. Cụ thể: nếu tổn thương không ảnh hưởng đến tủy sống thì người bệnh chỉ có cảm giác đau ở vùng bị tổn thương. Ngược lại, nếu tủy sống bị chèn ép hay ảnh hưởng sẽ gây ra tổn thương đến đốt sống cổ và thắt lưng với những triệu chứng rõ ràng hơn:

+ Chấn thương cột sống cổ: đau cổ, ngứa ran và cảm thấy yếu cơ cổ, không thể chuyển động cổ. Kèm theo đó là các triệu chứng chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu, khó tập trung, khó thở, đau, tê, châm chích lan xuống vùng vai hoặc cánh tay.

+ Chấn thương cột sống lưng: rối loạn cảm giác, rối loạn cơ tròn, yếu hoặc liệt hai chi dưới.

Các biến chứng và di chứng của chấn thương cột sống có nguy hiểm không?

Các biến chứng và di chứng thường gặp sau khi chấn thương cột sống gây tổn thương tủy là:

+ Rối loạn hay mất vận động: Người bệnh có thể bị giảm hoặc mất vận động chủ động hai chân (khi tổn thương đoạn ngực, thắt lưng) hoặc cả hai tay và hai chân (khi tổn thương đoạn cổ). Người bệnh bị rối loạn trương lực cơ gây co rút, co cứng, teo cơ hay cứng khớp, cốt hóa lạc chỗ, loãng xương, rỗng tủy sau chấn thương.

+ Rối loạn cảm giác: Người bệnh bị giảm hoặc mất cảm giác phía dưới vùng tủy sống bị tổn thương. Rối loạn cảm giác có thể gây các triệu chứng tê, đau, còn dẫn đến các biến chứng và thương tật thứ phát như là bị loét do tỳ đè,...

+ Các rối loạn thần kinh thực vật như: đây là loại rối loạn phản xạ tự động, tăng tiết mồ hôi, hạ huyết áp tư thế, rối loạn điều nhiệt, rối loạn đại tiểu tiện, các biến chứng về hô hấp, biến chứng về tiết niệu, viêm tắc tĩnh mạch do huyết khối,...

Các biến chứng và di chứng muộn của người bệnh chấn thương cột sống thường gặp ở khoa Ngoại thần kinh – BVĐK Trà Vinh là do bỏ sót các tổn thương cột sống ban đầu, người bệnh không được chẩn đoán bằng các phương tiện y học hiện đại, người bệnh lựa chọn phương pháp điều trị không phù hợp như tự chữa bằng kéo nắn, đắp thuốc hoặc cây cỏ, các thầy lang bó thuốc khi chưa hiểu tường tận về các thương tổn cột sống,… Một số trường hợp người bệnh đã được chẩn đoán và có chỉ định phẫu thuật nhưng do người nhà và người bệnh tâm lý sợ phẫu thuật, không đồng ý phẫu thuật và lựa chọn phương pháp điều trị không đúng cách dẫn đến biến chứng và di chứng muộn đáng tiếc.

Hình ảnh X-quang và MRI: biến chứng chèn ép tuỷ do gãy L1 điều trị không đúng cách

(Nguồn: Khoa Ngoại thần kinh – BVĐK Trà Vinh)

 

 

3. Khi bị chấn thương cột sống, cần xử trí thế nào?

Điều tiên quyết khi xử trí chấn thương cột sống là phải được sơ cứu đúng cách và nhanh chóng đưa người bệnh đến sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng cách. Các bước sơ cứu cơ bản của chấn thương cột sống:

Bước 1: Gọi Trung tâm Cấp cứu 115.

Bước 2: Nhẹ nhàng đặt nạn nhân nằm ngửa, duỗi thằng chân tay, tránh gập cổ và kiểm tra xem tình trạng tim còn đập, mạch cổ, tình trạng sức khỏe để sẵn sàng chuyển vào viện.

Bước 3: Cố định cột sống cổ. Cột sống cổ phải thẳng với trục cơ thể, có thể dùng 2 bao cát hay 2 viên gạch chèn hai bên tai khi nạn nhân nằm.

Bước 4: Kiểm tra các vết thương chảy máu để cầm máu, băng ép bằng quần áo hay sợi dây. Với nạn nhân chảy máu ở đầu, người sơ cứu phải quấn băng quanh đầu họ để cầm máu nhưng luôn giữ đầu cố định.

Bước 5: Cố định các vết thương gãy xương như xương đùi, xương cẳng tay bằng nẹp, giúp giảm đau cho nạn nhân.

Bước 6: Di chuyển nạn nhân vào bệnh viện gần nhất bằng xe cứu thương, ôtô, tuyệt đối không vận chuyển bằng xe máy; giữ tư thế đầu nạn nhân thẳng với trục cơ thể trong suốt quá trình vận chuyển.

 

Hình ảnh sơ cứu ban đầu người bệnh CTCS đúng cách

 

Tại BVĐK tỉnh Trà Vinh, khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ chấn thương cột sống thì người bệnh được chẩn đoán chính xác bằng hình ảnh như X-quang, chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt, cộng hưởng từ (1.5 testla) và ý kiến của bác sĩ chuyên khoa Ngoại thần kinh để đưa ra quyết định phù hợp với tình trạng bệnh nhân.

4. Khi nào cần điều trị phẫu thuật chấn thương cột sống?

Phẫu thuật là phương pháp điều trị sau cùng khi các tổn thương cột sống nghiêm trọng. Mục tiêu của điều trị chấn thương cột sống bằng phẫu thuật là để giải ép thần kinh, đồng thời thiết lập lại sự cân bằng và độ vững của cột sống. Những trường hợp người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật là:

- Mất vững cột sống

- Chèn ép tủy: Máu tụ, mảnh xương vỡ,...

- Loại bỏ các dị vật bên trong cột sống

Cuộc phẫu thuật được xem là thành công khi người bệnh đạt được sự phục hồi thần kinh lý tưởng nhất, phần tổn thương được cố định, liền xương đoạn cột sống ngắn nhất. Tuy nhiên, khi bỏ lỡ các thương tổn ban đầu có chỉ định phẫu thuật thì hậu quả còn nghiêm trọng hơn rất nhiều lần.

5. Những điều cần làm để phòng ngừa chấn thương cột sống

Ngoài tìm hiểu cách điều trị chấn thương cột sống, bạn cũng nên biết qua những cách phòng tránh tình trạng tổn thương này. Cụ thể như sau:

Khởi động kỹ càng trước khi chơi thể thao để tránh bị chấn thương do cơ thể chưa kịp thích ứng với hoạt động mạnh.

Trong sinh hoạt hàng ngày, cần giữ cột sống ở tư thế đúng.

Bổ sung dưỡng chất để cột sống thêm khỏe mạnh như glucosamine, canxi…

Thăm khám định kỳ để kiểm tra tình trạng cột sống, phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin bổ ích về chấn thương cột sống cũng như cách xử lý. Khi gặp các chấn thương hay dấu hiệu bất thường về cột sống, bạn cần đi thăm khám càng sớm càng tốt để được tư vấn và điều trị kịp thời.

 

                                                                              Thực hiện

                                                                                    Bs.CKII. Đỗ Công Thương

                                                                                                 Trưởng khoa Ngoại thần kinh BVĐK Trà Vinh
THÔNG BÁO

   

 


















Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 5
  • Trong tuần: 1 249
  • Tất cả: 3593488

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: Sở Y tế Trà Vinh.
- Địa chỉ: 16A, đường Nguyễn Thái Học, P1, TPTV, tỉnh Trà Vinh.
- Email:soytetv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 0294.3862399. Fax: 0294.3864255
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang