HƯỚNG TỚI LOẠI TRỪ LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON VÀO NĂM 2030
Ngày 07 tháng 5 năm 2021, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn triển khai tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2021 với chủ đề “ Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”.

Như chúng ta đã biết, ngày 14 tháng 8 năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg về Chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, phấn đấu kéo giãm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% vào năm 2030.

Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tỷ lệ này hiện nay của cả nước là là 1,91%. Thông tin từ Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em (Bộ Y tế), mỗi năm Việt Nam có gần 2 triệu phụ nữ mang thai, trong đó tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai chiếm 0,19% (tương đương với hơn 3.800 trường hợp) và số trẻ sinh ra nhiễm HIV từ các bà mẹ nhiễm HIV mỗi năm vào khoảng 1.140 - 1.520 trẻ (chiếm 30% - 40%).

Như vậy, nếu không có can thiệp nào thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con là rất cao, tuy nhiên, nếu được dự phòng tích cực cho mẹ và con thì tỷ lệ này có thể dưới 2%, có nghĩa là cứ 100 phụ nữ nhiễm HIV sinh con thì có 2 trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Để có thể đạt và duy trì lâu dài tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, chúng ta cần tiếp tục triển khai tốt các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trong tháng hành động 2021. Cần tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao. Nội dung truyền thông cần chú trọng vào các vấn đề sau:

 Một là: Lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; Lợi ích của điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và lợi ích của theo dõi tải lượng HIV đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV để sinh ra những đứa con khỏe mạnh; Việc xét nghiệm HIV sớm và điều trị sớm bằng ARV là yếu tố then chốt có tính chất quyết định để giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Phụ nữ chưa biết tình trạng nhiễm HIV cần đi làm xét nghiệm trước khi mang thai hoặc trong 3 tháng đầu của thai kỳ để được điều trị ARV càng sớm càng tốt nếu dương tính với HIV; Thuốc ARV không ảnh hưởng đến thai nhi nên trước, trong và sau khi mang thai, bệnh nhân nhiễm HIV cần tuân thủ điều trị ARV liên tục. Đồng thời, thai phụ cần thường xuyên xét nghiệm tải lượng vi rút trong máu để biết tải lượng vi rút có tăng cao không hoặc có gặp vấn đề kháng thuốc hay không. Bệnh nhân mang thai cần giữ mức tải lượng vi rút dưới ngưỡng 200 bản sao/ml máu mới đảm bảo thấp nhất khả năng lây truyền qua con; Khi sinh thì nên sinh đẻ ở bệnh viện từ tuyến huyện trở lên để có đủ thuốc dự phòng cho con sau sinh; tuân thủ điều trị ARV theo hướng dẫn của thầy thuốc đối với mẹ và con; có chế độ dinh dưỡng hợp lý hỗ trợ sức khỏe cho mẹ và con.

Hai là: Phải chú ý đến thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con; Phụ nữ đã bị nhiễm HIV cần xem xét kỹ thời điểm có thai, đó là khi tải lượng HIV của mình thấp, tốt nhất là dưới ngưỡng phát hiện để giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV sang con. Bệnh nhân mang thai cần giữ ở mức tải lượng vi rút dưới ngưỡng 200 bản sao/ml máu mới đảm bảo thấp nhất khả năng lây truyền qua con.

Ba là: Lợi ích của điều trị dự phòng ARV cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV hoặc mẹ có xét nghiệm HIV có phản ứng khi chuyển dạ, khi sinh; Lợi ích của việc thực hiện chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; Lợi ích của điều trị ARV sớm cho trẻ được chẩn đoán nhiễm HIV do lây truyền HIV từ mẹ sang con; Sau khi sinh cán bộ y tế cần cấp phát đủ liều thuốc ARV cho trẻ và hướng dẫn mẹ hoặc người chăm sóc thực hành tuân thủ điều trị ARV cho trẻ. Chuyển tiếp hồ sơ đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV dành cho người lớn để người mẹ được chăm sóc và điều trị lâu dài.

Bốn là: Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; Phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như: xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai, cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho con, chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

Vì những đứa con không nhiễm HIV các bà mẹ nên đi xét nghiệm sớm HIV để biết tình trạnh nhiễm HIV của mình, nếu phát hiện nhiễm HIV hãy điều trị thuốc ARV sớm và  thực hiện hướng dẫn điều trị dự phòng ARV cho con sớm để giãm lây truyền HIV sang con./.

                                                                                                                                                          BS.CKII. Trương Văn Dũng

THÔNG BÁO

   

 


















Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 16
  • Trong tuần: 2 042
  • Tất cả: 3592112

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: Sở Y tế Trà Vinh.
- Địa chỉ: 16A, đường Nguyễn Thái Học, P1, TPTV, tỉnh Trà Vinh.
- Email:soytetv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 0294.3862399. Fax: 0294.3864255
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang