Trà Vinh: Kết quả thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020
Thực hiện Kế hoạch số 387/KH-BCĐTƯATTP ngày 10/3/2020 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Sở Y tế - Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Trà Vinh đã tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành Kế hoạch số 08/KH-BCĐ ngày 27/3/2020 về Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. 

Với chủ đề của Tháng hành động năm 2020 là “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã thành lập 03 đoàn kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của tỉnh trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tháng hành động năm 2020; kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm các huyện, thị xã, thành phố; kiểm tra ngẫu nhiên thực tế đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn kiểm tra. Và phân công Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đơn vị có liên quan thành lập 03 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tỉnh tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn 09 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn.

Từ ngày 15/4 đến ngày 15/5/2020, trên địa bàn tỉnh thành lập tổng cộng 121 đoàn thanh tra, kiểm tra, trong đó gồm 06 đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến tỉnh, 09 đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến huyện, thị xã, thành phố và 106 đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến xã, phường, thị trấn. Các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tổng cộng 1.941 cơ sở, trong đó gồm 154 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, 381 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 591 cơ sở dịch vụ ăn uống và 815 thức ăn đường phố. Qua kiểm tra, có 1.600 cơ sở đạt không vi phạm (chiếm 82,43 % so với tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra) và phát hiện 341 cơ sở có vi phạm (chiếm 17,57 % so với số cơ sở được thanh tra, kiểm tra); Các nội dung vi phạm chủ yếu về điều kiện trang thiết bị dụng cụ (114 cơ sở, chiếm 5,87%), điều kiện về con người (123 cơ sở, chiếm 6,34%) và các vi phạm khác (58 cơ sở, chiếm 2,99%);  Đoàn thanh tra, kiểm tra đã thực hiện lấy 135 mẫu xét nghiệm bao gồm 130 mẫu xét nghiệm nhanh và 05 mẫu xét nghiệm tại labo, kết quả các mẫu đều đạt. Kết quả sau khi thanh tra, kiểm tra, đã xử lý 08 cơ sở vi phạm (chiếm 2,35 % so với số cơ sở có vi phạm) với hình thức phạt tiền, tổng số tiền phạt là 24.050.000 đồng; đóng cửa 01 cơ sở; tiêu hủy 31 loại sản phẩm (98 kg) của 07 cơ sở; nhắc nhở 333 cơ sở, cam kết không tái phạm (chiếm 97,65% so với số cơ sở có vi phạm).

Nhìn chung, công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nên công tác triển khai thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đạt được hiệu quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm được các cấp, các ngành quan tâm phổ biến kịp thời đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng, từng bước chuyển đổi nhận thức, thái độ, hành vi về bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nhằm giảm thấp số cơ sở có vi phạm và phòng ngừa, hạn chế ngộ độc thực phẩm xảy ra trong cộng đồng. Tuy nhiên, chất lượng hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chưa cao do số cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử lý còn thấp, chỉ chiếm 2,35 % so với số cơ sở vi phạm, số cơ sở nhắc nhỡ chiếm tỷ lệ cao 97,65% so với số cơ sở vi phạm, do đó chưa bảo đảm tính răn đe trong việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, vẫn còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố chưa bảo đảm các quy định an toàn thực phẩm về điều kiện cơ sở vật chất; vệ sinh cơ sở, thiết bị dụng cụ trong sản xuất, chế biến; trang phục bảo hộ lao động khi tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm; không giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm; kinh doanh thực phẩm không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng; sử dụng nguyên liệu trong chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không thực hiện hợp đồng cung cấp nguyên liệu đầu vào, không thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định,… phần lớn là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, kinh doanh theo thời vụ và địa điểm kinh doanh không cố định; một số cơ sở thuộc diện không cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm chưa thực hiện các thủ tục cam kết sản xuất, chế biến, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định.

Trong thời gian tới, để hạn chế thấp tình trạng vi phạm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến các quy định, kiến thức và thực hành về bảo đảm an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú thu hút người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết đúng pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về bảo đảm an toàn thực phẩm và chủ động lấy mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm trong cộng đồng; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần các quy định về an toàn thực phẩm; song song đó công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở, cá nhân bị xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật; biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, phù hợp quy định của pháp luật để người tiêu dùng biết, lựa chọn những sản phẩm an toàn cho gia đình./.

 

                                                                                        Tú Ngân
THÔNG BÁO

   

 


















Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 51
  • Trong tuần: 2 077
  • Tất cả: 3592147

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: Sở Y tế Trà Vinh.
- Địa chỉ: 16A, đường Nguyễn Thái Học, P1, TPTV, tỉnh Trà Vinh.
- Email:soytetv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 0294.3862399. Fax: 0294.3864255
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang