PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI TRÊN NGƯỜI
Thời gian gần đây, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh liên tục có những báo cáo về tình hình bệnh Dại trên chó cụ thể như: ngày 03/3/2023 đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm chó nghi bệnh Dại tại ấp Trà Gút, xã Đại Phước, huyện Càng Long; ngày 10/3/2023 lấy mẫu xét nghiệm chó nghi bệnh Dại tại ấp Sa Bình, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, cả 02 mẫu xét nghiệm trên đều được Chi cục Thú Y vùng VI trả lời là đã phát hiện vi rút Dại. Như vậy, tình hình chó mắc bệnh Dại tại các địa phương trên đại bàn tỉnh đang là điều rất đáng lo ngại. Đây là nguy cơ xảy ra bệnh Dại và dẫn đến tử vong rất cao nếu như bị chó mắc bệnh Dại cắn và không được tiêm ngừa phòng bệnh Dại đúng theo hướng dẫn.

          Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền từ động vật sang người qua vết cào, cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại (thường gặp là chó và mèo). Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.

Thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên một năm hoặc hai năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn.

Giai đoạn đầu, bệnh nhân thường có biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi rút xâm nhập.

Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên.

Bệnh thường kéo dài từ 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp.

Chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàngđặc biệt là các chứng sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng với các yếu tố dịch tễ học có liên quan như bị chó, mèo bị Dại cắn, liếm, cào làm tổn thương ở da.

Khi bị chó, mèo cắn chúng cần làm:

Bước 1: Cần phải làm vệ sinh vết thương: Rửa ngay thật kỹ vết cắn bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt để làm giảm lượng vi rút tại vết cắn.

Bước 2: Băng bó vết thương: Sau khi vệ sinh vết thương, người bệnh nên dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương để cầm máu đồng thời tránh trường hợp vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, không nên băng bó quá chặt khiến máu khó lưu thông.

Bước 3: Tiêm phòng vắc xin: Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc xin phòng dại ngay sau bị chó cắn. Lịch tiêm theo lộ trình và loại vắc xin phòng dại sẽ được các bác sĩ tư vấn phù hợp. Phải tiêm đủ mũi và đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Mọi người cần có ý thức phòng bệnh Dại cụ thể như sau: Báo cáo với cơ quan thú y gần nhất khi phát hiện động vật nghi mắc bệnh Dại. Tránh cho trẻ nhỏ chơi với động vật, nhất là chó, mèo đi lạc. Dạy trẻ tránh xa các động vật hoang dã như mèo, dơi, gấu trúc, chồn hôi, khỉ, cáo…Nhà có vật nuôi như chó, mèo cần chủ động tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh Dại cho chúng, không cho chúng chạy rong bên ngoài vì rất dễ lây lan mầm bệnh.

Bệnh dại khi đã khởi phát bệnh thì không có cách gì cứu chữa được. Tiêm phòng dại được xem là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng trước căn bệnh này.

Hiện nay tại Việt Nam đang có 2 loại vắc xin phòng dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab  (Ấn Độ). Đây đều là những loại vắc xin được sản xuất theo công nghệ mới, cải thiện vượt bậc so với các loại vắc xin phòng dại thế hệ cũ. Vắc xin dại đều đã được kiểm định an toàn, khẳng định khả năng đáp ứng miễn dịch cao sau khi tiêm đủ liều. Tất cả các loại vắc xin dại hiện tại đều an toàn, cho đến nay, thế giới vẫn chưa ghi nhận những biến cố bất lợi nghiêm trọng nào sau tiêm chủng vắc xin dại.

Khi bị chó, mèo cắn, cào không nên làm các việc sau:

- Không cố gắng nặn máu vết thương bị chó, mèo nghi bệnh Dại cắn. Không nên chà sát vết thương, tránh làm vết thương trầm trọng hơn.

- Không đắp, sát bất cứ loại lá nào lên vết thương.

- Không chữa dại bằng thuốc Đông y, thuốc Nam hoặc thuốc lá.

- Không kiêng cữ tắm rửa vệ sinh cơ thể mỗi ngày.

 

                                                                                               BSCK II. Trương Văn Dũng

THÔNG BÁO

   

 


















Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 669
  • Trong tuần: 25 770
  • Tất cả: 3568753

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: Sở Y tế Trà Vinh.
- Địa chỉ: 16A, đường Nguyễn Thái Học, P1, TPTV, tỉnh Trà Vinh.
- Email:soytetv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 0294.3862399. Fax: 0294.3864255
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang