Trà Vinh: Phát huy vai trò mạng lưới Truyền thông giáo dục sức khỏe tuyến cơ sở
 Thực hiện phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ngành Y tế Trà Vinh luôn coi truyền thông giáo dục sức khỏe (TT-GDSK) là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và  là nhiệm vụ “phải đi trước một bước”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Sở Y tế ban hành Công văn 232, ngày 04/4/2014 về việc củng cố, kiện toàn và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và chỉ đạo Trung tâm TT-GDSK chú trọng phát huy vai trò của mạng lưới truyền thông từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động sự chung tay, góp sức của toàn xã hội trong việc TT-GDSk nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, phòng chống các loại dịch bệnh.
Ảnh: Truyền thông phòng chống bệnh Tay chân miệng cho học sinh

Hiện ngành Y tế Trà Vinh đã xây dựng được mạng lưới truyền thông đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, trong đó hoạt động TT-GDSK là một bộ phận của hệ thống chăm sóc sức khỏe, của các chương trình y tế, của các cơ sở y tế và của mọi cán bộ y tế chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của các cán bộ và tổ chức chuyên trách về TT-GDSK. Hay nói cụ thể hơn đó là nhiệm vụ của cả Ngành y tế chứ không chỉ riêng của Trung tâm TT-GDSK tỉnh. TT-GDSK cần thực hiện tại tất cả các cơ sở y tế như các Bệnh viện, các Trung tâm, Chi cục tuyến tỉnh, các Bệnh viện, Trung tâm y tế huyện/thành phố, tại các Trạm y tế, Phòng khám đa khoa khu vực xã/phường/thị trấn và tại ấp/khóm trong cộng đồng. Đó chính là mạng lưới TT-GDSK của cả tỉnh, tạo nên sức mạnh cho mọi hoạt động về công tác truyền thông.
    Nhận thức được vấn đề trên, trong thời gian qua Trung tâm TT-GDSK tỉnh đã làm tham mưu cho Sở Y tế củng cố, kiện toàn mạng lưới TT-GDSK từ tỉnh xuống đến tận ấp/khóm và trên thực tế đã tạo sức mạnh cho Trung tâm TT-GDSK trong việc triển khai các hoạt động chuyên môn trên địa bàn tỉnh.
Tại tuyến tỉnh, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khoẻ tỉnh, (gọi tắt là T4G) trực thuộc Sở Y tế, là cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo mọi hoạt động TT-GDSK trong phạm vi tỉnh. Tại các đơn vị chuyên môn tuyến tỉnh như Bệnh viện, Trung tâm và Chi cục đã thành lập 12 Tổ TT-GDSK (gọi tắt là T3G tỉnh), chịu sự chỉ đạo chuyên môn của Trung tâm TT-GDSK tỉnh.
Tại tuyến huyện/thành phố đã thành lập 08 Phòng TT-GDSK thuộc Trung tâm y tế huyện/thành phố và 07 Tổ TT-GDSK của bệnh viện huyện/thành phố (gọi tắt là T3G huyện), chịu sự chỉ đạo chuyên môn của Trung tâm TT-GDSK tỉnh.
Tại tuyến xã/phường/thị trấn đã thành lập 107 Tổ TT-GDSK tại các TYT/PKĐKKV thuộc TTYT huyện/thành phố chịu sự chỉ đạo chuyên môn của Phòng TT-GDSK huyện/thành phố (gọi tắt là T2G).
Và tại mỗi ấp/khóm, trong tỉnh đều có Cộng tác viên ấp khóm thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền viên và chịu sự chỉ đạo chuyên môn của Tổ TT-GDSK TYT/PKĐKKV (gọi tắt là T1G).
Với sự nổ lực của tập thể cán bộ viên chức Trung tâm TT-GDSK và của cả mạng lưới nói chung, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Sở Y tế, sự hổ trợ của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở, hoạt động TT-GDSK trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả bước đầu, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân trong tỉnh của toàn Ngành y tế và qua kết quả kiểm tra cuối năm 2014, đơn vị Trung tâm TT-GDSK tỉnh đã được Trung tâm TT-GDSK Trung ương (T5G) đề nghị Bộ Y tế tặng Bằng khen.
Mặc dù đã đạt được những kết quả trên, nhưng trên thực tế hoạt động TT-GDSK vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tại Trung tâm TT-GDSK tỉnh cơ sở vật chất đã xuống cấp, còn thiếu nhân lực, còn nhiều cán bộ trình độ tác nghiệp và kinh nghiệm chưa đạt yêu cầu so với một ngành đặc thù trong hoạt động y tế, thiếu trang thiết bị để nâng cao hiệu quả khâu kỹ thuật nghe nhìn, bên cạnh đó việc phối hợp với các cơ quan truyền thông còn hạn chế… Ở tuyến huyện, thành phố vì hoạt động kiêm nhiệm, cán bộ chưa được đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn về công tác TT-GDSK, nên hiệu quả hoạt động chưa cao, nội dung truyền thông cũng chỉ dừng lại ở các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình dự án có tài trợ, chưa chủ động xây dựng kế hoạch TT-GDSK phục vụ cho nhiệm vụ của đơn vị. Tuyến xã/phường/thị trấn và ấp/khóm, cán bộ làm công tác TT-GDSK còn hạn chế về kỹ năng truyền thông, nhưng công tác tập huấn lại ít được thực hiện, thiếu điều kiện và trang thiết bị hỗ trợ, còn ỷ lại tuyến trên. Phòng TT-GDSK của TTYT và Tổ TT-GDSK của TYT/PKĐKKV chưa được bố trí kinh phí, trang bị về dụng cụ, thiết bị để phục vụ cho công tác TT-GDSK theo Quyết định số 2240/QĐ-BYT ngày 07/7/2010 của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, còn một số cán bộ nhận thức chưa đúng về vị trí, vai trò và lợi ích của công tác TT-GDSK mang lại, chưa thấy được việc đầu tư cho TT-GDSK là đầu tư có lợi, rẽ tiền và bền vững. Có lẽ vì hiệu quả của công tác TT-GDSK mang lại thường là chậm và khó đo lường nên đôi khi rất khó thuyết phục được các cấp lãnh đạo quan tâm đầu tư trang thiết bị hoặc kinh phí để công tác TT-GDSK thực hiện được đúng theo yêu cầu. Việc thực hiện nhiệm vụ TT-GDSK còn phân tán ở nhiều đơn vị, chưa tập trung nên nguồn lực bị giới hạn, một số đơn vị chưa đi sâu vào công tác chuyên môn về TT-GDSK, nên việc làm tham mưu cho Sở Y tế còn hạn chế.
Đối với cộng đồng, một bộ phận người dân chưa có ý thức quan tâm chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho chính bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng, nhất là những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa vì điều kiện kinh tế gia đình nên lại càng rất ít quan tâm chăm sóc sức khỏe, nên việc tổ chức phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Từ những khó khăn trên, mạng lưới TT-GDSK của tỉnh, mà vai trò chính là Trung tâm TT-GDSK tỉnh, cần phải tự phấn đấu nhiều hơn nữa để khắc phục những gì thuộc về chủ quan của đơn vị như củng cố, kiện toàn, sắp xếp, bố trí lại nguồn nhân lực. Tuyển dụng, đào tạo cán bộ chuyên ngành về truyền thông để chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ và nâng cao chất lượng công tác truyền thông.
Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục rất cần sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của Sở Y tế nhiều hơn nữa, đầu tư xây mới cở sở vật chất, bổ sung trang bị phương tiện, nhất là xe ô tô để chủ động thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền. Sự giúp đỡ của của các phòng, ban và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở Y tế trong công tác phối hợp, tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ TT-GDSK trên toàn địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt nhất.
Tiếp tục tăng cường mối quan hệ tốt với các cơ quan thông tin đại chúng, các  ban ngành, các trường học và chính quyền địa phương để đẩy mạnh công tác truyền thông sâu rộng trong cộng đồng, cung cấp kiến thức, hướng dẫn hổ trợ thực hành nhằm giúp cho mọi người hiểu biết, nhận thức và quyết định thực hành những vấn đề sức khoẻ có lợi cho chính bản thân mình và cho cả cộng đồng./.
                       
                                                                                                  Bs CKII. Trương Văn Dũng
                                                                                                    Giám đốc T4G Trà Vinh
THÔNG BÁO

   

 


















Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 170
  • Trong tuần: 2 227
  • Tất cả: 3592002

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: Sở Y tế Trà Vinh.
- Địa chỉ: 16A, đường Nguyễn Thái Học, P1, TPTV, tỉnh Trà Vinh.
- Email:soytetv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 0294.3862399. Fax: 0294.3864255
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang