ĐÔI DÒNG CHIA SẺ NHÂN NGÀY 27/02 (Câu chuyện của cô gái gần 28 năm gắn bó với Y tế!)

Nghe 28 năm gắn bó có lẻ làm nhiều người nghĩ về một nhân viên y tế sắp về hưu.  Nhưng thật ra đó là tôi, cô gái 28 tuổi đã quen với trạm y tế, bệnh viện ngay từ khi còn trong bụng mẹ.  Hồi đó cha mẹ tôi làm ở trạm y tế xã, lúc sinh tôi ra thì cha công tác ở đơn vị khác, hai mẹ con tôi ở khu nhà tập thể, lúc ấy mẹ tôi làm nữ hộ sinh, cái thời điều kiện còn thiếu thốn, đường xá, xe cộ đi lại vẫn chưa được thuận tiện, có đêm một mình mẹ đỡ đẻ tận 3,4 sản phụ. Mẹ kể "mới đỡ xong người này là người tiếp đã đau nhăn mặt ẹo ẹo bợ bụng đi vào". Lúc đó tôi còn nhỏ lắm nhưng cha lại ở xa, không có ai trông, thế là hôm nào có cas sinh là mẹ để tôi ngủ ở nhà tập thể một mình rồi chạy lên trạm đỡ đẻ, vì nhà tập thể cũng gần trạm, nên mẹ vừa đỡ vừa lắng tay nghe, sợ tôi thức khóc không có mẹ sẽ lăn xuống đất nên miễn nghe tiếng tôi khóc là mẹ chạy ù về, ẳm tôi lên đem vào phòng sinh ngồi lên bàn chờ mẹ luôn. Có hôm may mắn còn sớm, mẹ nhờ người nhà của mấy sản phụ đi sinh trông tôi giúp, mẹ kể mấy cô đó ẳm tôi trước cửa phòng mà tôi cứ thò tay vào ngoắc ngoắc mẹ, thấy buồn cười lắm. Mẹ nói có hôm làm xong ra, thấy tôi bị muỗi cắn đỏ hết cả người mà xót ruột. Có những cas sinh khó, sản phụ băng huyết, phải xử lý một mình những tình huống nguy cấp, mẹ vẫn bình tĩnh và giải quyết nhanh chóng an toàn. Mà thời đó sinh nhanh lắm, mẹ nói sinh đôi, sinh ngược vẫn thường gặp và không hiếm. Tôi vẫn hay cười nói với mẹ, nếu từ lúc mẹ đi làm đến nghỉ hưu, mỗi lần đỡ sinh được một bé, mẹ bỏ một viên đá vào lọ thủy tinh  thì bây giờ cái lọ chắc to lắm mẹ nhỉ?, mẹ cười nói thật là nhiều lắm không thể nào điếm hết được, chỉ biết là khi có dịp đi đâu đó ở gần nhà hay những xã  xung quanh điều nghe người ta vẫn hay gọi mẹ và chỉ vào những cô cậu chạc tuổi tôi hoặc nhỏ hơn rồi nói " chị ơi, đứa này hồi xưa chị đỡ nó nè, giờ lớn vậy rồi đó chị!", nghe mà mát lòng thật sự.

Rồi sau này, mẹ xin cho cha về làm chung cơ quan để tiện chăm sóc gia đình, thấy vậy mà cũng không đỡ hơn nhiều, hồi thời đó nhân viên y tế kiêm luôn cộng tác viên, phải lặn lội xuống ấp, băng sông, lội ruộng để đi vận động, tuyên truyền người dân... cực lắm, công việc cứ hay phải thay đổi, nay đi chỗ này, mai lại đi chỗ khác, thế nên sau này khi tôi đi làm, những lúc công việc khó khăn, phải luân chuyển nhiều vị trí, tôi vẫn nhớ tới những câu chuyện mẹ kể mà cố gắng, thời trước, cha mẹ cực hơn rất nhiều, lương lại thấp mà vẫn làm được, tại sao bản thân mình lại không cố gắng hơn nữa.

Rồi đến lúc mẹ đi học, tôi ở nhà với cha, lúc đó còn nhỏ mà phải xa mẹ lâu, đêm nào ngủ tôi cũng khóc ướt cả gối. Mẹ nói thời đó còn khó khăn thiếu thốn, không có nhiều tiền nhưng mẹ vẫn gáng để dành để về thăm con vì nhớ quá không chịu nổi!

Thế đó rồi theo năm tháng tôi lớn dần lên ở khu nhà tập thể, lúc đó cũng có mấy bạn ba mẹ làm chung với cha mẹ tôi, chiều chiều lại ra sân của trạm, mỗi đứa một tô cơm thế mà vui, rôm rả cả một góc sân. Rồi sau này lớn, không biết có phải do ngưỡng mộ với công việc cống hiến thầm lặng của ba mẹ mà yêu luôn màu áo blouse trắng từ lúc nào không hay như tôi không mà bạn nào cũng chọn theo nghề Y, người chọn học bác sĩ, người chọn điều dưỡng, người thì chọn học Dược như tôi.

Nhớ lúc đó hình như ngày nào tôi cũng lên trạm chơi, tò mò khám phá hết phòng này đến phòng khác, và nơi tôi thích nhất vẫn là phòng phát thuốc, hồi đó không biết sao lại thích thú với mấy viên thuốc đến thế, thích cấp phát và hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc, nhớ những lúc nghỉ hè, ngày nào tôi cũng có mặt ở quầy phát thuốc, thích lắm, đó cũng là lý do vì sao sau này lớn tôi bén duyên với nghành Dược. Hai mẹ con tôi vẫn hay cười nói với nhau, người ta là người ta sợ mùi của bệnh viện lắm, ấy vậy mà từ nhỏ tôi đã quen với trạm, lớn lên học ra đi làm vẫn là làm ở bệnh viện, tính ra thời gian ở bệnh viện có khi còn nhiều hơn ở nhà.

Mà cũng không biết cơ may thế nào, tôi lại đăng ký thi tuyển vào đúng bệnh viện về phụ Sản, công tác chung với các dì khi xưa học chung với mẹ nữa, thật là trùng hợp. Nói về việc thi tuyển vào bệnh viện, đó là năm đầu tiên tỉnh tổ chức thi tuyển viên chức vào nghành Y tế, thi khó lắm, hồi đó tôi có động lực lớn lắm, học ngày học đêm, sáng trưa chiều tối, quyết tâm cao lắm, chắc là thích chiếc áo blouse trắng, được khoác lên mình làm nhân viên y tế thật thụ. Và cuối cùng thì thành quả đã vượt ngoài cả mong đợi, tôi thi đậu với kết quả cao, ngày biết kết quả mẹ tôi mừng đến phát khóc, cha thì vui cứ cười liên tục.

Lại kể tiếp về cha, cha tôi là y tá, nhớ lúc đó điều kiện y tế còn khó khăn, mỗi đêm trực chỉ có hai nhân viên mà gặp  nhiều bệnh nặng, đường xá đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế còn thiếu thốn nên người dân có bệnh là sẽ ưu tiên đến trạm trước, nào là đánh nhau chảy máu, nào là uống thuốc tự vẫn, cao huyết áp,.... thức trắng đêm là chuyện bình thường và liên tục. Có những bệnh cần truyền nước, mà vào giữa khuya là ngồi theo dõi đến sáng, rồi có những hôm có cas uống thuốc tự vẫn, trạm là tuyến y tế cơ sở phải thực hiện bơm rửa dạ dày trước một bước rồi sau đó mới chuyển lên tuyến trên. Thời đó trang bị bảo hộ còn chưa được đầy đủ, mỗi khi có cas uống thuốc tự vẫn bằng thuốc trừ sâu, cha bơm xong, là mệt nhoài, mặt đờ đẫn, tôi vẫn nhớ sau khi theo xe chuyển bệnh về, cha vẫn hay pha một ly nước chanh uống cho tỉnh. Sợ nhất là Tết và những ngày lễ, tai nạn giao thông và đánh nhau cứ vào liên tục, có hôm tận mấy người máu me đầy người vào cấp cứu, mà chỉ có hai nhân viên y tế trực, phải ưu tiên xử lý những cas nặng, khâu vết thương rồi mới đến những cas nhẹ, khi bệnh về hết, lúc này nhân viên y tế kiêm luôn hộ lý, quét dọn, lau chùi vết máu, ngâm rửa, tiệt trùng dụng cụ,.....Cực khổ, khó khăn trăm bề, nhưng lúc đó và đến tận bây giờ tôi thấy các cô chú vẫn tâm huyết với nghề lắm.

Còn rất rất nhiều điều về quãng thời gian công tác dài đăng đẳng của cha mẹ mà tôi không thể nào kể hết, buồn có, vui có, khó khăn cũng có,... Cực khổ là vậy mà đến ngày về hưu mẹ tôi vẫn khóc hết nước mắt, ngày cuối cùng làm tiệc chia tay, tôi vẫn nhớ như in câu mẹ nói "Vậy là từ nay không còn được mặc bộ đồ chuyên môn này nữa rồi!! "Mẹ buồn hơn cả tháng mới nguôi ngoay được, cũng phải thôi, mẹ gắn bó hơn ba mươi mấy năm, ngày nào cũng khoác lên người bộ đồ ấy, chăm sóc phục vụ bệnh nhân, vậy mà cũng đến ngày phải dừng lại, gác nghĩa vụ thiêng liêng ấy lại, không buồn sao được?

Lúc tôi mới bước chân vào đi làm, thật sự cũng có nhiều gian nan lắm, cũng nhiều lần phải rơi nước mắt, nhưng tôi vẫn luôn tự nhủ bản thân sẽ luôn cố gắng, cha mẹ tôi hồi đó còn cực khổ hơn tôi nhiều mà vẫn làm được đến tận ngày về hưu luôn đó thôi, còn tôi mới mà đã là gì đâu.

Thế đó cái mọi người nhìn thấy về nhân viên y tế, chỉ là phần nổi, còn lắm những cực khổ phía sau mà ít người thấy được. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, vì thế cho tôi nói về sự trân trọng nghành Y, vì ngoài một bộ phận nhỏ những người làm chưa đúng, thì đâu đó vẫn còn rất rất nhiều những nhân viên y tế đang ngày đêm cống hiến quên mình, để hết lòng hết sức phục vụ bệnh nhân./.

                                                                                                                                                      Ngọc Diễm

THÔNG BÁO

   

 


















Thống kê truy cập
  • Đang online: 15
  • Hôm nay: 500
  • Trong tuần: 25 601
  • Tất cả: 3568584

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: Sở Y tế Trà Vinh.
- Địa chỉ: 16A, đường Nguyễn Thái Học, P1, TPTV, tỉnh Trà Vinh.
- Email:soytetv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 0294.3862399. Fax: 0294.3864255
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang