Hội thảo “Trà Vinh – tạo sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng Nông thôn mới”
Lượt xem: 9646
Sáng ngày 6/5, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch tổ chức Hội thảo “Trà Vinh – tạo sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng Nông thôn mới” tại Nhà khách Trà Vinh. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Bình phát biểu khai mạc hội thảo

Đây là hoạt động gắn với xúc tiến đầu tư, thương mại – du lịch nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Trà Vinh nhằm giới thiệu và truyền thông cho du lịch tỉnh Trà Vinh trong điều kiện thích ứng với tình hình mới, tìm kiếm các giải pháp đột phá phát triển du lịch, để đến năm 2025 du lịch là ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Đến tham dự hội thảo có ông Lê Thanh Bình, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Kiên Quân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Dương Mỹ Pha, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo các Sở, ban ngành tỉnh, các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ đến từ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch TP.HCM, Trường Đại học Quốc gia TP.HCM... và gần 40 doanh nghiệp lữ hành đến các tỉnh, thành bạn, 11 doanh nghiệp du lịch của tỉnh Trà Vinh tham dự.

Là tỉnh mưa thuận gió hòa, vùng đất mang nét đặc trưng chuyển vùng từ đồng bằng sang vùng biển, Trà Vinh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Trong đó, du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh và du lịch xanh với hệ sinh thái đa dạng của vùng duyên hải là một trong những sản phẩm khác biệt so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành du lịch Trà Vinh đã có những bước đột phá phát triển. Tỉnh đã xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng hình thành nên các tuyến du lịch và được các doanh nghiệp lữ hành ngoài tỉnh lựa chọn là điểm đến khi đến với đồng bằng sông Cửu Long. Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng 17,84%, giai đoạn 2015 – 2020. Năm 2019 trước thời điểm dịch Covid -19, tỉnh Trà Vinh đón hơn 1 triệu lượt khách. Trong 3 tháng đầu năm 2022, du lịch Trà Vinh được phục hồi và thích ứng tình hình mới, tỉnh đã đón hơn 200 ngàn lượt khách tham quan.

Với nhiều hệ sinh thái đa dạng, nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, tỉnh Trà Vinh hội tụ các yếu tố để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian qua, tỉnh đã chú trọng xây dựng một số mô hình du lịch gắn với gắn với xây dựng nông thôn mới tại các địa phương như: Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành; Cồn Hô, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long; Làng Văn hóa – Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành và điểm du lịch nông nghiệp Sokfarm thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần… Các mô hình này đã đạt được những kết quả tốt. Song song đó, hoạt động du lịch đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới, nếp sống, cảnh quan và cơ sở vật chất hạ tầng tại địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc hình thành và nâng cao chất lượng của các dịch vụ, sản phẩm và trải nghiệm du lịch tại địa phương. 

Quang cảnh hội thảo

 Tại hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo đề dẫn về “Thực trạng và định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng nông thôn mới tại Trà Vinh”, tham luận về những vấn đề “Hội tụ trong phát triển du lịch nông thôn - trường hợp tỉnh Trà Vinh”, “Sự thích ứng của cư dân ven biển Trà Vinh: chất liệu và nguồn lực xây dựng các trải nghiệm du lịch nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long”, “Lan tỏa cảm xúc trong trải nghiệm du lịch: nghiên cứu trường hợp tỉnh Trà Vinh”. Qua đó đã góp phần đề ra những định hướng, giải pháp nhằm giúp tỉnh Trà Vinh tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng Nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới có quan hệ gắn bó với nhau, xây dựng nông thôn mới đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch nông thôn trong việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… Ngược lại, phát triển du lịch góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP; gắn kết tình làng, nghĩa xóm, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Để mô hình phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới này phát triển bền vững, đến năm 2025 du lịch là ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong thời gian tới ngành du lịch Trà vinh sẽ kế thừa, học hỏi và chọn lọc các kinh nghiệm phát triển du lịch nông thôn trong và ngoài tỉnh nhằm áp dụng hiệu quả, thiết thực cho việc khai thác và phát triển du lịch tại tỉnh Trà Vinh. Phân tích các nguồn lực phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn. Tìm hiểu khả năng kết nối thị trường, nhu cầu của du khách trong bối cảnh mới nhằm xây dựng các trải nghiệm du lịch nông thôn mang tính thích ứng, linh hoạt và an toàn trên địa bàn tỉnh. Đề xuất các định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo sự khác biệt để thu hút khách du lịch, thúc đẩy kinh tế vùng nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương đồng thời nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh.

Đinh Thanh