Cốm Dẹp Ba So
Lượt xem: 11241

 

Trà Vinh không chỉ là nơi sinh sống của người kinh mà còn có người Hoa, người Khmer, chính vì vậy mà ẩm thực nơi đây cũng vô cùng hấp dẫn, độc đáo và đa dạng. Một đặc sản của Trà Vinh mà chúng tôi muốn nói ở đây đó chính là cốm dẹp, là món ăn của người Khmer (tiếng Khmer gọi om bóc). Ai đến Trà Vinh mà không thưởng thức cốm dẹp, hay ăn bánh tét cốm dẹp thì quả là đáng tiếc, chuyến đi chưa được trọn vẹn.

CỐM DẸP ĐẶC SẢN TRÀ VINH MANG NHIỀU GIÁ TRỊ

Cốm dẹp được làm từ những hạt nếp non, thường được gặt sớm trước một tuần hoặc nửa tháng, sau đó tiến hành ngâm, rang, giã để cho ra cốm dẹp. Cốm dẹp kết hợp với đường, dừa thì cho ra hương vị ngon tuyệt, đậm đà khó quen. Nhiều người đến đây cũng không quên mua hộp cốm dẹp đặc sản Trà Vinh làm quà cho người thân, bạn bè của mình.

Với giá trị hương vị của mình, cốm dẹp không chỉ là món ăn mà còn là phẩm vật chính dâng cúng tạ ơn thần mặt trăng theo phong tục của đồng bào Khmer trong lễ hội Ok Om Bok, được tổ chức định kỳ vào Rằm tháng 10 hàng năm. Đây là lễ cúng tạ ơn thần mặt trăng trong năm đã cho mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu và cầu cho năm tới thời tiết được thuận lợi, giúp người dân trúng mùa, no đủ… Các phẩm vật dâng cúng là những sản phẩm nông nghiệp do chính họ làm ra, trong đó cốm dẹp là một trong những phẩm vật không thể thiếu.

Từ chỗ là món ẩm thực mang ý nghĩa tâm linh đậm nét văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ, hiện món ăn này đã trở thành đặc sản nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh mà bất cứ du khách nào khi đặt chân đến đây cũng chọn mua về làm quà, thưởng thức.

CÁCH LÀM CỐM DẸP TRÀ VINH

Để mọi người hiểu hơn về cốm dẹp đặc sản Trà Vinh chúng tôi giới thiệu sơ qua quá trình người ta làm từ hạt nếp cho ra cốm dẹp.

Để làm ra cốm dẹp là cả một quá trình từ thu hoạch nếp, đến rang, giã, …khâu nào cũng tốn rất nhiều công sức. Qua đây cho thấy sự cần cù, chịu khó và tỉ mỉ của đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh.

Nếp non sau khi thu hoạch về người ta sẽ cho vào chum và ngâm trong nước khoảng 6 tiếp đồng hồ, rồi dùng rổ vớt nếp ra, để ráo nước, đem phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

Khi nếp đã khô, cho vào nồi đất rang, dùng những thanh tre đã được vót thành đũa bếp đảo liên tục vào đều tay đến khi hạt nếp chín vàng và phát ra tiếng nổ li ti, dậy mùi thơm là nếp đã chín và cho ra cối. Trong lúc rang việc canh lửa cũng rất quan trọng, nên để lửa vừa, lửa to sẽ khiến nếp bị khô và cháy, còn lửa nhỏ sẽ khiến hạt nếp bị dính vào nhau.

Sau đó cho nếp đã rang vào cối giã cho tróc vỏ trấu bên ngoài, hoặc có thể cho vào túi vải để quết, như vậy nếp sẽ dễ tróc vỏ đều hơn.

Giã xong cho nếp vào nia và sàng để loại bỏ trấu và lấy hạt cốm dẹp, cho vào bao để bảo quản.

Từ chỗ là món ẩm thực mang ý nghĩa tâm linh đậm nét văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ, hiện món ăn này đã trở thành đặc sản nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh. Tùy ý thích nhưng ngày nay mọi người thường trộn cốm dẹp với dừa nạo, đường, muối và một chút nước dừa, để khoảng 30 phút là có thể thưởng thức. Với hương vị rất riêng, theo dòng thời gian, món ăn này đã trở thành đặc sản và hình thành nên một làng nghề truyền thống của tỉnh Trà Vinh, được người dân ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài biết đến.

(Theo dulichtravinh.com.vn)