Gặp và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp định kỳ tháng 2/2020: Ý tưởng về Đề án thoát nghèo thông qua phát triển kinh tế nông nghiệp khép kín gắn với du lịch cộng đồng
Lượt xem: 3380
Ngày 15/2/2020, tại Nhà khách Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Lâm cùng lãnh đạo các sở, ngành hữu quan có buổi gặp gỡ doanh nghiệp (DN) theo định kỳ thứ Bảy của tuần thứ 2 hàng tháng, nhằm ghi nhận các kiến nghị của DN, qua đó tháo gỡ khó khăn mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực hoạt động có liên quan.

Chủ tịch UBND Đồng Văn Lâm (trái) trao đổi với ông Trần Anh Tuấn (phải) về tính khả thi của Dự án.


Tại buổi tiếp lần này, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch sinh thái Hà Anh Duyên Hải gặp Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Lâm, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, có nguyện vọng được giới thiệu với lãnh đạo UBND tỉnh về nội dung Đề án: “Thoát nghèo thông qua phát triển kinh tế nông nghiệp khép kín gắn với du lịch cộng đồng Duyên Hải”. 

Theo Đề án, sẽ triển khai trong thời gian là 5 năm (2020-2025), với tổng nguồn vốn đầu tư là 300 tỷ đồng. Trong đó, vốn của DN khoảng 10 tỷ đồng, số còn lại huy động sức dân. Đề án sẽ được triển khai thực hiện tại 8 xã: Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang; Đôn Châu, Đôn Xuân, Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải; Ngọc Biên, Long Hiệp, Tân Hiệp, huyện Trà Cú. Mỗi xã sẽ thành lập một hợp tác xã (HTX), đồng thời tương ứng với các mô hình thế mạnh, hoạt động theo chuỗi khép kín. Cụ thể: Trồng các loại cây dược liệu, nuôi heo, nuôi dê, trồng rau sạch, nuôi cá làm nguồn nguyên liệu chế biến khô, nuôi bò, nuôi gia cầm, trồng lúa hữu cơ...

Tầm nhìn và cam kết của Đề án đến năm 2023, sẽ đạt 70% và đến khi kết thúc Đề án (2025), có 100% số hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tại 8 xã sẽ được thoát nghèo. Chỉ tiêu thoát nghèo hàng năm là 120 hộ/HTX (trên địa bàn 1 xã). Như vậy, sau 5 năm, số hộ nghèo, cận nghèo được thoát nghèo sẽ là 4.800 hộ/8 xã.

Để đạt được mục tiêu Đề án đề ra, Đề án sẽ triển khai mô hình sản xuất khép kín, phát huy tối đa hoạt động của loại hình kinh tế tập thể. Triển khai mô hình và hỗ trợ các HTX hoạt động hiệu quả, khép kín. Triển khai thực hiện Đề án trên cơ sở thế mạnh của từng xã, từng vùng; chuyển giao khoa học-kỹ thuật, hưởng lợi từ các chính sách hiện hành của Trung ương, của tỉnh về kinh tế tập thể. Đồng thời, xây dựng mô hình và từng bước hình thành một số điểm du lịch sinh thái, cộng đồng tại một số xã có thế mạnh, có các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, tôn giáo.

Sau khi nghe ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch sinh thái Hà Anh Duyên Hải trình bày về tính khả thi của Đề án, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Lâm biểu dương và ghi nhận ý tưởng của DN. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành hữu quan, bố trí thời gian thích hợp để DN, lãnh đạo các sở, ngành hữu quan, UBND các địa phương, nơi dự kiến triển khai Đề án, cùng thảo luận, làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai Đề án.

Tại cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Lâm khẳng định: Tiến trình của Đề án hướng tới hoạt động trên nền tảng của loại hình HTX là phù hợp, đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Muốn Đề án thành công, phía DN cần tìm hiểu và quan tâm một số vấn đề: Đầu ra sản phẩm, cơ sở và quyền lợi để tạo sức hút đối với hộ nghèo, huy động vốn từ đâu, kinh nghiệm về quản lý đối với loại hình HTX, nhân sự, trụ sở... Khi giải quyết các vấn đề trên thỏa đáng, thì Đề án mới khả thi và thành công.

Tin, ảnh: M. Thùy