Nguyễn Thị Ráo (Sinh năm 1922)
Lượt xem: 12147
    Bà Nguyễn Thị Ráo, tên thường dùng là Chín Ráo, bí danh là Ba Thi, sinh ngày 11/8/1922, tại làng Long Thạnh, tổng Bình Khánh Thượng, quận Càng Long nay là xã Nhị Long, là một vùng đất luôn được bồi đắp bởi phù sa sông Cổ Chiên nên ruộng vườn màu mỡ, cây trái tốt tươi nhưng từ lâu cánh địa chủ Huyện Ngọ câu kết với thực dân Pháp bao chiếm toàn bộ đất đai nên gia đình bà cũng như bao nhiêu hoàn cảnh nông dân trong vùng phải sống kiếp tá điền cơ cực. Thân phụ bà, Ông Nguyễn Văn Rớt, tuy là một nông dân nghèo, ít học nhưng giàu lòng nghĩa khí.

    Ngay từ những năm 1930, ông đã là Đảng viên cộng sản hoạt động tại Chi bộ Nhị Long. Bị bọn địa chủ điềm chỉ, ông bị thực dân bắt, tra tấn dã man rồi đày đi Bà Rá cùng với hai người con rể của mình.

   Truyền thống bất khuất của gia đình đã ảnh hưởng sâu đậm đến suy nghĩ, tình cảm của bà Nguyễn Thị Ráo. Năm 1940, lúc chưa tròn 18 tuổi, bà được Chi bộ xã giác ngộ rồi giao nhiệm vụ liên lạc giữa các xã Nhị Long, An Trường, Mỹ Trường trong vai cô hàng xáo(mua bán gạo) trẻ trung vui tính. Sự năng nổ, tháo vác và mưu trí của cô giao liên trẻ đã tạo được niềm tin ở Chi bộ. năm 1943, bà được giao thêm nhiệm vụ Tổ Trưởng Nông Hội đỏ xã.

      Chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám, bà được Huyện ủy Càng Long tin tưởng giao nhiệm vụ vận động quần chúng thị trấn và các vùng phụ cận tích cực nổi dậy. Cùng với các lực lượng quần chúng khác, phụ nữ Càng Long đã góp phần xứng đáng vào thành công chung. Khi chính quyền về tay nhân dân, ngày 20/9/1945 bà vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại Hội nghị Phụ nữ toàn huyện, bà được chị em tín nhiệm bầu vào cương vị Hội trưởng Hội Phụ nữ Cứu quốc huyện Càng Long, đồng thời còn là Ủy viên của huyện bộ Việt Minh.

       Năm 1946, đáp ứng yêu cầu của công cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp , Huyện ủy Càng Long được củng cố lại. Đồng chí Chín Ráo được đề bạt Huyện ủy viên, phụ trách công tác dân vận kiêm Bí thư Đảng Đoàn Hội Phụ nữ cứu quốc huyện.

     Năm 1948, đồng chí Nguyễn Thị Ráo được rút về làm Phó Hội Trưởng rồi Hội trưởng kiêm Bí thư Đảng Đoàn Hội Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Trà Vinh.

     Năm sau, tỉnh Vĩnh Trà được thành lập từ sự sáp nhập hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, đồng chí Chín Ráo được cử đi học lớp Trường Chinh khóa III, tại miền Đông Nam Bộ. Tại đây, năm 1953, bà lập gia đình với đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển- Tỉnh Ủy viên phụ trách tuyên huấn tỉnh Gia Định. Từ đây bà có bí danh Ba Thi (Thi Tuyển). Theo yêu cầu của tình hình và cũng để đôi vợ chồng trẻ có điều kiện sống gần nhau, sau khi lớp Trường Chinh mãn, Xứ ủy điều đồng chí Nguyễn Thị Ráo về làm Ủy viên Đảng Đoàn Hội Phụ nữ Cứu quốc Gia Định – Ninh (lúc này hai tỉnh Gia Định và Tây Ninh sát nhập làm một). Đây là một thử thách quan trọng đối với đồng chí Nguyễn Thị Ráo, vốn xuất thân ở nông thôn sâu nay phải về sinh sống và hoạt động hợp pháp ngay giữa lòng đô thành Sài Gòn. Được sự chở che, đùm bọc của bà con lao động nghèo vùng Bàn Cờ, Vườn Chuối, bà thay chồng nuôi con thơ dại đồng thời vận động, tập hợp, tổ chức chị em phụ nữ, lãnh đạo chị em đấu tranh trực diện với quân thù.

      Sau hiệp định Giơ-ne-vơ , đồng chí Nguyễn Thị Ráo được Đảng phân công ở lại miền Nam, tiếp tục bám địa bàn Sài Gòn – Gia Định vận động quần chúng kiên quyết đấu tranh đòi địch nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định, chuẩn bị Hiệp thương thống nhất đất nước. Khi địch trở mặt, khủng bố gắt gao các lực lượng cách mạng, đồng chí Ba Thi vẫn kiên cường đứng vững giữa nội thành trong sự thương yêu, che chở của quần chúng. Trong giai đoạn này, bà đảm nhiệm nhiều cương vị khác như Phó Ban Phụ Vận Sài Gòn – Gia Định ; Quyền Bí thư Quận ủy Quận Ba, Ủy viên Ban Cán sự Cánh I phụ trách Tuyên huấn các Quận Gó Vấp, Bình Hòa, Quận Nhì, Quận Ba, Phú Nhuận. Đặc biệt, giữa năm 1959, đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển (khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy Gia Định – Ninh ) hy sinh như một tin sét đánh, nhưng đồng chí Nguyễn Thị Ráo vẫn kiên cường vượt lên nỗi đau mất mát, phấn đấu cống hiến nhiều hơn nữa cho cách mạng với không chỉ phần mình mà còn cho phần người đã khuất.

       Năm 1961, đồng chí Ba Thi được bầu vào Ban Chấp Hành Hội Phụ Nữ Giải Phóng Sài Gòn – Gia Định. Năm 1964, Tại Đại Hội Phụ Nữ toàn miền, bà được bầu vào ban Chấp hành Trung ương Hội Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam và được Ban Chấp hành cử vào Ban Thường Trực Trung ương hội. Từ đó đến ngày đất nước được giải phóng, đồng chí Ba Thi có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp vận động phụ nữ miền Nam đấu tranh thống nhất Tổ quốc.

     Tháng 3/1969, đồng chí Nguyễn Thị Ráo tham gia đoàn đại biểu Mặt trận Dân Tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc. Đây là đại biểu phụ nữ duy nhất của đoàn. Ngày 5/3/1969 trở thành ngày trọng đại, khó có thể quên được trong cuộc đời bà - được gặp Bác Hồ và được ngồi bên Bác, báo cáo với Bác về những phong trào đấu tranh kiên cường, bất khuất của phụ nữ Việt nam.

       Sau ngày 30/4/1975, đồng chí Nguyễn Thị Ráo tiếp tục công tác tại Trung ương hội phụ nữ rồi sau đó được điều về làm Phó Giám đốc Sở Lương thực thành phố Hồ Chí Minh. Đây thực sự là một trận địa mới với đầy đủ ý nghĩa của nó với chức năng đảm bảo không để một người dân nào trong gần 4 triệu đồng bào thành phố phải đói, trong hoàn cảnh đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh. Người phụ nữ hàng xáo năm xưa với trình độ học vấn lớp 4 trường làng đã lao vào trận địa mới với tấm lòng nhân hậu và tính nhanh nhạy đến bất ngờ cả với chính những người đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho bà.

      Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (khóa IV) ra đời đã mở ra một hướng đi mới trong lĩnh vực lưu thông phân phối. Vận dụng Nghị quyết này vào thực tiễn, Thành ủy và UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định thành lập Công ty Kinh doanh Lương thực thành phố. Đồng chí Ba Thi được bổ nhiệm làm Giám đốc vào tháng 7/1980.Thành phần nhân sự của công ty bắt đầu từ một tổ thu mua gồm 6 cán bộ, công nhân viên(kể cả lái xe) có nhiệm vụ liên hệ với các tỉnh ĐBSCL để mua gạo về bán lại cho hơn 3,5 triệu người dân thành phố và một lượng không nhỏ khách vãng lai với giá kinh doanh không bù lỗ nhưng cũng không nhầm thu lãi cao.

      Từ năm 1981, căn cứ vào chỉ tiêu lương thực mà Trung Ương cho phép thành phố được mua, Giám đốc Nguyễn Thị Ráo đặt quan hệ hầu hết các tỉnh ĐBSCL. Cũng cần nhắc lại, đây là giai đoạn mà trăm bề khó khăn của cơ chế quan liêu bao cấp luôn ràng buộc các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp kinh doanh lương thực, một mặt hàng mang tính chiến lược mà Nhà nước độc quyền quản lý. Để nắm bắt được nguồn hàng, bà Ba Thi trực tiếp về các tỉnh, lặn lội đến với từng người dân  để nắm bắt nhu cầu vật tư, hàng hòa của bà con nông dân để cung ứng hàng kịp thời, đổi lấy hạt gạo mà họ vất vả làm ra. Có nguồn hàng trong tay, Công ty kinh doanh Lương thực đã tổ chức mạng lưới gồm 172 cửa hàng và 2.578 đại lý bán lẻ khắp địa bàn thành phố, đảm bảo đưa lương thực tới tận tay người tiêu dùng một cách thuận tiện. Các đại lý bán lẻ lương thực ở thành phố này thường là do sự kết hợp giữa Công ty với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố. Từ đó, Công ty đã đảm bảo mua gạo tận gốc và bán đến tận tay người tiêu dùng, nhanh chóng làm chủ và bình ổn thị trường lương thực ở thành phố Hồ Chí Minh. Gần 4 triệu người dân thành phố Hồ Chí Minh tuy chưa thật đầy đủ nhưng đã được đảm bảo cung cấp lương thực ở mức có thể chấp nhận được. Công ty Kinh doanh Lương thực thành phố Hồ Chí Minh và Giám đốc Ba Thi được xem là một mô hình kinh doanh năng động, hiệu quả trong cơ chế cũ và là một trong những điễn hình có giá trị giúp Đảng và Nhà nước nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc đổi mới cơ chế kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Linh lúc ấy là bí thư Thành ủy TP.HCM viết: ”Mô hình Công ty Kinh doanh do chị Ba Thi làm Giám đốc chính là một hình thức quản lý kinh doanh trong thời kỳ quá độ, là quá trình thực hiện kế hoạch hóa kết hợp với việc sử dụng thị trường và đấu tranh cải tạo để làm chủ thị trường, từng bước dìu dắt tiểu thương buôn bán gạo đi vào quỹ đạo XHCN)” (Nguyễn Văn Linh – Lời giới thiệu sách : Một phương thức quản lý mới – Công ty chị Ba Thi . NXB TP.HCM-1984 ).

      Ổn định và làm chủ thị trường lương thực ở thành phố Hồ Chí Minh những năm 1980 là một thành tích hết sức có ý nghĩa về mặt kinh tế mà nó còn có ý nghĩa chính trị xã hội quan trọng. Điều này đã giúp củng cố niềm tin của quần chúng ở một địa bàn rất nhạy cảm này đối với Đảng và Nhà nước . Chính do vậy , để ghi nhận sự đóng góp của nữ Giám đốc Ba Thi , năm 1983, hội đồng Nhà nước đã tặng thưởng bà huân chương Lao động hạng nhì. Tiếp đó, năm 1984 bà lại được tặng huân chương Lao động hạng nhất. Và năm sau, 1985, bà là một trong số không nhiều phụ nữ Việt Nam được tuyên dương Anh hùng Lao động.

     Không dừng lại ở việc kinh doanh mặt hàng chiến lược là lúa gạo, từ năm 1985, Công ty kinh doanh Lương thực thành phố Hồ Chí Minh đầu tư dây chuyền sản xuất mì ăn liền Colusa, rồi sau đó là nhà máy bánh ngọt Đồng Khánh. Những mặt hàng này nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, góp phần tăng nhanh doanh số của công ty.
       Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI – năm 1986, với chủ trương đổi mới đất nước một cách toàn diện, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, giúp Công ty một động lực mới để phát triển mạnh mẽ. Hạt gạo Việt Nam đã không những đảm bảo được nhu cầu trong nước mà bắt đầu có lượng hàng hóa dôi ra ngày càng lớn. Một doanh nghiệp bắt tay vào lĩnh vực xuất khẩu gạo, trong đó Công ty của Ba Thi là đơn vị tiên phong. Từ số ngoại tệ thu được do xuất khẩu lương thực, Công ty đã nhập về một số thiết bị, công nghệ xay xát hiện đại, giúp hạt gạo Việt Nam có điều kiện vươn xa hơn, bước vào những thị trường khó tính nhất với một tư thế cạnh tranh tương đối bình đẳng hơn.

      Đau lòng trước thực tế hàng năm lượng dầu thô từ lòng đất Việt Nam được xuất thẳng mà không qua chế biến làm mất đi một lượng ngoại tệ đáng kể, bà Ba Thi đề xuất với các cơ quan chức năng ở thành phố và Trung ương đứng ra đầu tư nhà mày chế biến dầu khí mini Sài Gòn Petro ở Cát Lái với công suất 40.000 tấn/1 năm. Sài Gòn Petro ra đời, tuy với quy mô khá khiêm tốn, nhưng hoạt động hiệu quả của nó đã chứng minh năng lực tiếp thu và làm chủ của người Việt Nam trên lĩnh vực công nghiệp hiện đại và khá mới lạ này.

       Những năm đầu 1990, Công ty kinh doanh Lương thực thành phố Hồ Chí Minh trở thành một mô hình kinh doanh đa chức năng mang tính tư bản Nhà nước. Từ chỗ kinh doanh lương thực thu mua gom và bán cấp phát, Công ty đã vươn ra lĩnh vực chế biến xuất khẩu nông sản; công nghiệp chế biến dầu khí và tín dụng ngân hàng. Thương phẩm của công ty có mặt không chỉ ở khu vực thị trường truyền thống là Liên Xô và các nước Đông Âu mà đã tạo dựng được uy tín ở các nước đang phát triển cũng như bước đầu cạnh tranh được trên thị trường khó tính Tây Âu và Bắc Mỹ. Tuần báo  ASIA WEEK đã bình chọn Giám đốc Nguyễn Thị Ráo là nhà kinh doanh thành đạt nhất Châu Á trong năm 1991 và gọi bà là “nhà nữ tỷ phú” với doanh số hành trăm triệu USD mỗi năm.

       Đồng chí Nguyễn Thị Ráo là đại biểu Quốc Hội khóa VIII, đơn vị thành phố Hồ Chí Minh.
  
       Ngoài danh hiệu Anh hùng Lao động và hai huân chương  Lao động được tặng thưởng năm 1983 và 1984, Đồng chí Nguyễn Thị Ráo còn được Đảng và Nhà nước tặng thưởng:

    -Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
   -Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
   -Huân chương Độc lập hạng nhất.
   -Huân chương Giải phóng hạng nhất.
   -Huân chương Quyết thắng hạng nhất.
   -Huân chương Kháng chiến hạng nhất.
   -Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.