Ma Ha Sơn Thông (1910 - 1997)
Lượt xem: 13384
    Ông Ma Ha Sơn Thông tên thật là Sơn Thông bí danh là Mười Tăng, sinh ngày 11/02/1910 trong một gia đình trung nông, tại Giồng Tranh, làng tập Ngãi, tổng Ngãi Long, quận Tiểu Cần. Ông sinh sống tại làng Nhị Trường, tổng Vĩnh Lợi, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Là người dân tộc Khmer, từ nhỏ ông đã được cha mẹ hướng theo con đường tu hành giáo lý nhà phật. 14 tuổi ông đã bắt đầu đi tu bậc Sa di(Lục nịn) tại chùa Chông - Tọp (tiếng việt gọi là Hòa Lạc). Vào chùa ông gặp thầy học Mai Tấn Nhơn. Thấy ông có tư chất thông minh, ham học nên năm 1926 thầy Mai Tấn Nhơn đưa ông sang Thái Lan để học chữ Pa-Li. Ngót 10 năm theo học chữ Pa-Li và kinh sách Phật, khi tốt nghiệp, Sơn Thông được phong học vị Ma-Ha.

      Một thời gian sau ông trở về nước đi dạy chữ Pa-Li và Phật học ở chùa Bà Giam thuộc làng Đôn Châu Trà Cú Trà Vinh. Ông là một trong những vị Ma-Ha yêu nước. Dù sống trong giới tu sĩ Phật giáo nhưng ông luôn nặng tình, nặng nghĩa với quê hương đất nước, không bao giờ hợp tác với bọn thực dân Pháp. Khi cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra ông đã tham gia ngay các phong trào yêu nước, đầu tiên là tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong xã Tập Ngãi.

      Năm 1946, ông tham gia phong trào Thanh niên Tỉnh hội tuyên truyền Trà Vinh. Nhờ uy tín của ông đối với giới thanh niên, cả sư sãi qua sự vận động của ông đã đi theo cách mạng. Đến tháng 7/1947, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Trà Vinh thành lập Ban chính trị Khmer. Ông Sơn Phước Rọt(1) làm Trưởng Ban, Ông Sơn Thông làm Phó Ban. Cuối năm 1948, Hội ủng hộ bộ đội I-sa-rắc tỉnh Trà Vinh được thành lập do ông À cha Thạch Sóc thường gọi là Cha-sóc làm Hội trưởng, Ma Ha Thông được giữ chức hội phó. Năm 1949, Ma Ha Thông thay ông Cha-sóc giữ chức hội trưởng Hội I-sa-rắc.

          Cuối năm này, ông được phân công trong đoàn cán bộ Việt Nam sang công tác Cam-pu-chia 3 tháng. Ông đã hoạt động rất tích cực, vì tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam – Cam-pu-chia. Năm 1950, Ma Ha Thông lại được cử sang Cam-pu-chia dự Hội nghị thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Cam-pu-chia.

      Năm 1951, Ma Ha Thông lại được cử đi Cam-Pu-Chia trong phái đoàn Việt Nam, sang thăm bộ đội I-Sa-Rắc đang làm nghĩa vụ quốc tế. Đoàn do ông Nguyễn Văn Nguyễn làm trưởng đoàn với 85 thành viên. Qua chuyến Công tác này , Ma Ha Thông đã công tác ở đây suốt hai năm liền. Ông hoạt động từ Công-pông-chnăng đến Tông-lê-sáp, Bát-tam-băng.

      Với sự am hiểu sâu rộng đất nước, lịch sử, truyền thống, tín ngưỡng của nhân dân Cam-pu-chia, đi tới đâu Ma Ha Thông đều góp phần củng cố khối đoàn kết Việt Nam – Cam-pu-chia, làm cho nhân dân Cam-pu-chia càng hiểu rõ hơn về tính hy sinh, tình đoàn kết chiến đấu của bộ đội I-sa-rắc (Việt Nam) trong sự nghiệp chống thực dân của cách mạng Cam-pu-chia. Năm 1954, Ma Ha Thông được đề bạt vào Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ Trà Vinh. Ông được phân công phụ trách công tác Khmer vận và là một trong những cán bộ của Đảng hoạt động công khai có uy tín lớn trong đồng bào Khmer.

      Trong những năm 1956-1957, thời kỳ Mỹ-Diệm xây dựng và củng cố bộ máy chính quyền, Ma Ha Thông, qua sự hoạt động của mình từ các chùa đã vận động được hầu hết cảnh sát ngụy ở khu vực ông phụ trách. Ông đã tổ chức nhiều lễ Phật Đản nhưng lồng nội dung “chống chiến tranh, ủng hộ hòa bình”. Trong cuộc lễ ở chùa Thơm-Rơm trên 3 vạn người dự, Ma Ha Thông đã thành công trong việc kêu gọi đồng bào Khmer ủng hộ hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Đại diện của vương quốc Cam-pu-chia đã đưa nội dung bài diễn thuyết này về tuyên truyền quảng bá ở đất nước Chùa Tháp.

      Năm 1957, thực hiện chủ trương “điều lắng”, ông Ma Ha Thông sang công tác Khmer vận Sóc Trăng. Tại đây uy tín của ông trong giới sư sãi, tri thức dân tộc Khmer đã giúp ông thuận tiện trong công tác vận động quần chúng. Đây là thời kỳ trong phong trào cách mạng Miền Nam gặp nhiều khó khăn do chính sách “tố cộng, diệt cộng” của Mỹ-Diệm. Ông đã được sư sãi, nhân dân chở che, đùm bọc và vẫn hoạt động an toàn. Năm 1959, ông được Khu ủy rút lên công tác ở Ban Binh vận Khu Tây Nam bộ.

          Năm 1960, là ủy viên Mặt trận Khu Tây Nam bộ. Đến năm 1967, ông được cử giữ chức phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Khu Tây Nam bộ, phụ trách công tác Khmer của khu. Ông đồng thời là Phó chủ tịch Ủy Ban cách mạng Khu Tây Nam bộ. Năm 1971, Ma Ha Thông được đề bạt vào Khu ủy Khu Tây Nam bộ, phụ trách công tác Khmer vận của Khu ủy cho tới năm 1975.

      Sau ngày giải phóng ông về công tác tại tỉnh nhà. Khi thành lập tỉnh Cửu Long năm 1976, Ông là Tỉnh ủy viên, được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và cũng là Ủy viên Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội khóa VI và khóa VII, và là Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội (Khóa VII).

      Cuộc đời cụ Ma Ha Thông từ ngày hoàn tục, đi theo con đường cách mạng của Đảng đã gắn bó máu thịt với lý tưởng của Đảng và Bác Hồ, gắn bó cùng sống cùng chết với đồng bào, đồng chí. Cụ sống thanh liêm, trung thực, giản dị. Cụ nói giỏi tiếng Thái Lan, thông hiểu sâu chữ Pa-Li, giáo lý Phật, nhưng bao giờ cũng sử dụng kiến thức đúng nơi, đúng chỗ, khiêm tốn nên càng được giới sư sãi, tri thức và đồng bào Khmer cảm mến, tin cậy.

      Những năm cuối đời, dù đã được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu, tịnh dưỡng tuổi già, song cụ Ma Ha Thông vẫn không từ chối nhiệm vụ nào trong việc thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng.

      Do tuổi cao, sức yếu , cụ Ma Ha Thông từ trần vào ngày 25/4/1998, thọ 87 tuổi. Cụ Ma Ha Thông đã được tặng thưởng huân chương, huy chương cao quý:

     -Huân chương Giải phóng hạng I.
     -Huân chương Quyết thắng hạng I.
     -Huân chương Kháng chiến hạng I (Chống Pháp).
     -Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng I
     -Huân chương Độc lập hạng I.-Huy hiệu 40 tuổi Đảng.
      Năm 1952, Ủy ban Hành chánh Nam bộ cấp cho ông bằng khen “Công lao xây dựng tình đoàn kết Khmer – Việt Nam”.
55 người đã bình chọn